Kính chào quý độc giả,
Nửa năm đã trôi qua, Luật Khoa tiếp tục mang đến tin vui cho quý vị.
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đầu tư nhiều nguồn lực để giải quyết một vấn đề lớn: tường lửa. Do website luatkhoa.org bị chặn ở Việt Nam, độc giả không thể truy cập được như bình thường mà phải dùng đủ các cách để vượt tường lửa. Luật Khoa đã triển khai ứng dụng Facebook’s Instant Articles và Telegram’s Instant View để độc giả đọc được toàn văn các bài viết trên điện thoại. Nhưng chúng tôi sẽ không dừng ở đó.
Nay, xin giới thiệu một cách khác để độc giả đọc được toàn văn bài viết mà không cần vượt tường lửa: Luật Khoa – RSS.
RSS (Really Simple Syndication) vốn đã quen thuộc với nhiều người, là cách để bạn theo dõi một nguồn nội dung trên các ứng dụng đọc RSS như Feedly, NewsBlur, Inoreader, The Old Reader, Feeder. Với các ứng dụng này, bạn có thể tạo news feed riêng cho bản thân để theo dõi những trang báo bạn quan tâm trên web, trên máy tính hay điện thoại. Nói cách khác, nó là trung tâm thông tin của bạn.
Luật Khoa – RSS có gì đặc biệt so với website?
- Theo dõi các bài viết mới của Luật Khoa trên ứng dụng RSS yêu thích của bạn. Chúng tôi khuyên dùng Feedly – ứng dụng được đánh giá cao nhất hiện nay, có cả bản miễn phí lẫn trả phí.
- Đọc toàn văn bài viết của Luật Khoa ngay trên ứng dụng đọc RSS. Bạn không còn phải vượt tường lửa nữa. Luật Khoa – RSS để chế độ “full text” để các ứng dụng đọc RSS có thể truy xuất toàn văn nội dung bài viết thay vì chỉ một phần bài viết như nhiều báo khác (đồng nghĩa với việc bạn phải click vào link để vào website của họ).
Theo dõi Luật Khoa – RSS như thế nào?
Bạn chỉ cần tìm “Luật Khoa” trên các ứng dụng đọc RSS thì sẽ ra ngay nguồn “Luật Khoa tạp chí” để theo dõi.
Nếu không, bạn có thể thêm một trong các địa chỉ RSS sau đây của Luật Khoa vào ứng dụng của bạn:
https://www.luatkhoa.org/feed/
https://www.luatkhoa.org/feed/rss/
https://www.luatkhoa.org/feed/atom/
https://www.luatkhoa.org/feed/rdf/
https://www.luatkhoa.org/feed/atom/
Chỉ vậy thôi, và Luật Khoa sẽ tự động cập nhật toàn văn các bài viết mới ngay trên ứng dụng đọc báo của bạn. Bạn không phải lo vượt tường lửa nữa.
Chúc bạn đọc báo vui vẻ.
Quý độc giả thân mến,
Lá thư tháng Sáu này đến tay quý độc giả vào ngày 5/6/2021. Đây là dấu mốc kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra một sự kiện rất quan trọng với Việt Nam nói chung và nhiều nhân viên của Luật Khoa nói riêng. Đó là sự kiện phong trào biểu tình mùa hè năm 2011 nổ ra ở Hà Nội và Sài Gòn.
Đó là phong trào biểu tình lớn nhất, kéo dài nhất và có tác động sâu sắc nhất ở nước ta kể từ năm 1975 cho tới thời điểm đó, thu hút hàng nghìn người tham gia trong bối cảnh Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam. Từ màu sắc dân tộc chủ nghĩa buổi đầu tiên, do các động thái ngăn cản và đàn áp của lực lượng chấp pháp, phong trào biểu tình chống Trung Quốc này đã biến thành phong trào đòi quyền tự do. Kết quả là các cuộc biểu tình đã nổ ra vào tất cả các ngày Chủ nhật của mùa hè năm đó, cho tới khi kết thúc vào ngày 21/8.
Dù chấm dứt sau gần ba tháng, phong trào biểu tình năm 2011 đã sinh ra một thế hệ nhà hoạt động xã hội mới, và thế hệ này về sau sẽ mở ra một phong trào xã hội dân sự hoạt động dai dẳng cho tới nay, góp phần tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức xã hội trong những vấn đề nhân quyền thiết thân vốn bị cho là nhạy cảm.
Trong số những người gặp nhau lần đầu giữa đoàn người biểu tình năm đó, có hai nhà đồng sáng lập của Luật Khoa: Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang.
Kể từ đó, họ trở nên thân thiết. Nhà báo Đoan Trang, khi đó đang là phóng viên của tờ Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu dẫn dắt Trịnh Hữu Long vào nghề báo. Ý tưởng về một tờ báo pháp luật dành cho đại chúng đã được họ nhen nhóm từ năm 2012, nhưng mãi đến 2014 mới có khả năng thành lập.
Khi bạn đang đọc thư này, nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị tạm giam để điều tra về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước”. Với tất cả những gì Đoan Trang từng làm, bất kỳ ai cũng có thể khẳng định rằng cô đã dốc lòng cho những bài báo và những cuốn sách tử tế, chất lượng cao, nhằm mang tri thức chính trị và pháp luật căn bản đến cho mọi người. Trong một nền báo chí và xuất bản bình thường, Đoan Trang sẽ được vinh danh. Còn trong một thể chế kiểm duyệt, người ta chọn “vinh danh” Đoan Trang bằng cách bỏ tù cô.
10 năm kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, chín năm từ khi ý tưởng hình thành, và bảy năm kể từ ngày Luật Khoa ra đời, chúng tôi chưa bao giờ nản lòng với sứ mệnh xây dựng một tổ chức báo chí độc lập, chất lượng cao. Lá thư này là để xác quyết điều đó với quý độc giả.
***
Chúng tôi cũng xin cập nhật một số diễn biến mới trong hoạt động của Luật Khoa như sau:
- Chuyện xóa bài hay link “chết” là tình trạng phổ biến với báo điện tử nói riêng và các website nói chung. Trước tình trạng nhiều báo điện tử Việt Nam xóa bài, mà điển hình là việc xóa các bài về ứng cử viên Lương Thế Huy trước ngày bầu cử 23/5, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở lưu trữ riêng đối với những bài báo mà chúng tôi trích dẫn. Cơ sở dữ liệu này sẽ bao gồm bản chụp những bài báo mà chúng tôi tham chiếu tới vào thời điểm đăng bài, đề phòng trường hợp các báo khác xóa bài thì chúng tôi vẫn còn chứng cứ làm cơ sở cho bài viết của mình.
- Kể từ tháng Năm, Luật Khoa đã tái lập một truyền thống có từ thời kỳ đầu hoạt động là đăng danh mục tài liệu tham khảo ở cuối mỗi bài thay vì chỉ nhúng link trong bài. Việc này nhằm ba mục đích: (1) giúp độc giả dễ dàng nhận biết và tra cứu tài liệu mà chúng tôi trích dẫn, (2) đề phòng trường hợp những link nhúng trong bài “chết” thì vẫn còn thông tin về link đó ở cuối bài, (3) nếu cần in những bài viết này ra giấy thì người đọc sẽ biết tài liệu mà bài trích dẫn là gì. Chúng tôi dùng định dạng APA trong nghiên cứu khoa học để ghi danh mục tài liệu tham khảo.
- Cũng kể từ tháng Năm, Luật Khoa bắt đầu có phần “Tóm tắt” ở đầu một số bài dài để những độc giả không có nhiều thời gian cũng nắm được các ý chính của bài.
- Ngày 27/5, chúng tôi đã khai trương một website mới dành riêng cho nhà báo Đoan Trang tại địa chỉ doantrang.liv.ngo. Website này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về Đoan Trang và vụ án của cô.
- Tổng biên tập Trịnh Hữu Long làm diễn giả tại Hội nghị Báo chí 2021 của Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ) và Hiệp hội Báo chí Điều tra Quốc tế (ICIJ) ngày 22/5.
- Trong tháng Sáu, hai đồng giám đốc của Luật Khoa là Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi sẽ làm diễn giả tại hai phiên thảo luận của RightsCon, một hội nghị quốc tế về tự do Internet.
Xin cảm ơn quý độc giả và hẹn gặp lại trong thư tháng Bảy.